CẤP TRUNG ĐẲNG

Nội dung võ đạo thi thăng cấp trung đẳng Vovinam – Việt võ đạo bao gồm: 

NỘI DUNG THI CẤP TRUNG ĐẲNG

Câu 1: Võ thuật là gì? Võ đạo là gì?

Trả lời

Võ thuật là kỹ thuật dùng sức (đòn, thế, vũ khí…) để ứng chiến với người và vật.

  • Dùng sức bằng kỹ thuật sử dụng tay là quyền thuật
  • Dùng sức bằng kỹ thuật sử dụng chân là cước thuật.
  • Dùng sức bằng kỹ thuật sử dụng đao, kiếm..là đao thuật, kiếm thuật…

Cố nhân thường nói “Thập bát ban võ nghệ” là chỉ sử dụng nhiều thứ vũ khí khác nhau. 

Võ đạo là đường lối, hệ thống tư tưởng rõ rệt của một môn phái hướng dẫn quan niệm sống cho người học võ

Câu 2: Một trường dạy võ thuật khác một trường dạy võ đạo như thế nào?

Trả lời: 

Một trường dạy võ thuật hướng dẫn người học võ kỷ thuật dùng sức để ứng chiến với người và vật.

Một trường dạy võ đạo, ngoài phần hướng dẫn người học võ kỹ thuật dùng sức, còn trao dồi cho họ một quan niệm sống đúng đắn để được mọi người kính trọng và thành công trong đời sống.  

Câu 3: Một môn phái võ thuật muốn đi đến võ đạo phải có những điều kiện gì?

Trả lời:

Một môn phái võ thuật muốn đi đến võ đạo phải có:

  • Một tinh thần dân tộc đầy đủ
  • Một ý thức võ học vững vàng
  • Một hệ thống võ thuật toàn diện
  • Một phương pháp giảng dạy hữu hiệu
  • Một thời gian nhất định quảng bá võ thuật
Câu 4: Vào thời điểm nào nền võ đạo của dân tộc gần hình thành qua việc thành lập giảng võ đường?

Trả lời:

Năm 1253 đời nhà Trần, Giảng võ đường được thành lập song song với Quốc học viện, lúc đó nền võ đạo dân tộc gần hình thành

Câu 5: Thế nào là tính tộc truyền và bí truyền?

Trả lời: 

Tộc truyền là chỉ dạy võ trong phạm vi thu hẹp gồm những người trong dòng họ và một vài môn đệ tâm huyết, không truyền bá rộng rãi

Bí truyền là vị võ sư thời xưa dù tương đắc với học trò đến thế nào bao giờ cũng giữ lại một bài thế võ độc đáo để phòng những trường hợp “trò phản thầy”. Việc giảng dạy có tính chất tình cảm và tùy hứng không hình thành một chương trình huấn luyện qui mô, rõ rệt. Do đó, các môn võ, thế võ độc đáo mai một theo thời gian, không phát triển được.

 

Câu 6: Tinh thần võ đạo của Việt võ đạo chủ trương có mấy phần vụ?

Trả lời

  • Sống: với tất cả lửa sống tiềm tàng trong tâm thân, phải luôn cố gắng kiện toàn bản thân trên 3 phương diện: thân thể khỏe mạnh, trí tuệ minh mẫn, tâm hồn cao thượng để trở thành những con người toàn diện giúp ích cho gia đình và xã hội
  • Giúp cho người khác sống: không lấy sự kiện toàn của bản thân làm lợi khí lấn áp, giành giật quyền sống của người khác. Trái lại, phải tôn trọng, giúp đỡ, tạo điều kiện để người khác cùng tiến bộ và hưởng vị cuộc sống như mình
  • Sống cho người khác: đây là phần vụ cao quí nhất đòi hỏi người Việt võ đạo sinh phải hy sinh một số quyền lợi về vật chất lẫn tinh thần cho người khác nếu thấy cần thiết, vì cuộc sống của chúng ra liên quan ràng buộc với cuộc sống của mọi người, các nhu cầu chúng ta được hưởng trong cuộc sống đều do mọi người chung quanh hỗ trợ, giúp đỡ….
Câu 7: hãy trình bày mục đích của Vovinam - Việt võ đạo?

Trả lời:

  • Bảo tồn, phát triển và quảng bá võ học Việt Nam hầu nêu cao tinh thần thượng võ, bất khuật của dân tộc. Khai thác trọn vẹn cả 2 phần Cương và Nhu của con người để xiển dương môn phái Vovinam – Việt võ đạo bằng cách chuốt lọc những thế võ và vật cổ truyền Việt Nam rồi phối hợp, thái dụng mọi tinh hoa võ thuật đã và hiện có trên thế giới
  • Thu thập, nghiên cứu và phát minh các bài, thế võ để tu bổ và xây dựng nền võ học Việt Nam ngày càng phong phú hơn
  • Huấn luyện môn sinh về 3 phương diện: Võ lực, võ thuật, và tinh thần võ đạo
Câu 8: Để thực hiện các mục đích trên, Vovinam - Việt võ đạo hoạt động theo các tôn chỉ nào?

Trả lời:

  • Môn phái vovinam – Việt võ đạo xây dựng trên nền tảng lấy con người làm cứu cánh, lấy đạo hạnh làm phương châm, lấy kỹ thuật và ý chí quật cường làm phương tiện.
  • Môn phái Vovinam – Việt võ đạo là một đại gia đình trong đó các môn đồ thương yêu, kính trọng lẫn nhau. Sự kính trọng và lòng thương yêu ấy đan kết thành kỷ luật môn phái, một giềng mối vững chắc giúp các môn đồ đoàn kết chặt chẽ để nêu cao danh dự môn phái và trở thành những con người toàn diện.
  • Môn phái Vovinam – Việt võ đạo luôn luôn tích cực góp phần vào mọi công cuộc giáo dục thành thiếu niên
  • Môn phái Vovinam – Việt võ đạo hoạt động đều không có tính cách chính trị và tôn giáo
  • Môn phái Vovinam – Việt võ đạo luôn luôn tôn trọng các võ phái khác để cùng xây dựng một nền võ hcoj Việt Nam với tinh thần võ hữu thực sự
Câu 9: Từ Vovinam tới Việt võ đạo khác với từ nhu thuật tới nhu đạo (Nhật Bản) ở những điểm nào?

Trả lời:

Từ Vovinam tới Việt võ đạo khác với từ Nhu thuật tới Nhu đạo ở 2 điểm: 

Làng võ Nhật Bản đã chính thức được hưởng không khí sinh hoạt võ sĩ đạo từ hai ngàn năm. Còn ở Việt Nam, mặc dù đã có nhiều thời đại dụng võ nhưng đến lúc xây dựng một nền võ đạo dân tộc, không khí sinh hoạt võ đạo của dân tộc đã mai một, nên cần phải xây dựng lại từ đầu.

Nhu đạo chỉ là giai đoạn phát triển hoàn bị của Nhu thuật, nhưng Việt võ đạo không phải chỉ là một giai đoạn phát triển hoàn bị của Vovinam, vì nhiệm vụ kết tinh những giá trị võ thuật của Vovinam và xây dựng một ý thức hệ võ học, Việt võ đạo còn có nhiệm vụ tổng hợp các giá trị võ vật xưa và nay lấy các môn võ hiện đại trên thế giới làm võ liệu nghiên cứu phối hợp cả Nhu lẫn Cương để hình thành một nền võ đạo cho dân tộc Việt Nam

Câu 10: Về võ lực, võ thuật, võ đạo, Vovinam - Việt võ đạo huấn luyện môn sinh ra sao?

Trả lời:

Về võ lực, Vovinam – Việt võ đạo huấn luyện cho môn sinh một thân hình rắn rỏi vững chắc, một sức lực mạnh mẽ dẻo dai, để có thể chịu đựng khó khăn cực nhọc, phòng chống bệnh tật, giữ cho thân thể luôn trắng kiện và lành mạnh

Về võ thuật, Vovinam – Việt võ đạo huấn luyện cho môn sinh một kỹ thuật dùng sức tinh vi để tự vệ hữu hiệu hầu đạt tới một nghệ thuật cao quí trên tình thần phục vụ con người và sẵn sàng bênh vực lẽ phải

Về võ đạo, Vovinam – Việt võ đạo huấn luyện cho môn sinh một tâm hồn cao thượng, một ý chí quật cường, một phong thái hào hiệp, một tinh thần kỷ luật tự giác, một nếp sống hợp quần trong tinh thần đồng đạo, một truyền thống hy sinh cao cả. Một đức độ khoan dung từ ái để phục vụ hữu hiệu cho bản thân, gia đình, dân tộc và nhân loại.

Câu 11: Hãy giải thích đại cương nguyên lý CƯƠNG NHU PHỐI TRIỂN?

Trả lời:

Theo nghĩa thông thương, Cương là cứng rắn, Nhu là mềm dẻo. Trong võ học, các phái thiên về cương có kỹ thuật cúng và mạnh, láy sức làm chính, cách xử thế hùng dũng quyết liệt, uy nghiêm. Các võ phái thiên về Nhu có kỷ luạt linh hoạt uyển chuyển ít dùng sức, cách xử thế hòa nhã, khiêm cung, tế nhị. Các võ sinh Việt Nam trước đâu không theo Cương hay Nhu, nó biến hóa linh hoạt tùy theo thể tạng mỗi người, mỗi địa phương. Nhận thấy trong cây tre Việt Nam, có cương nhu, cá cả cứng rắn và mềm dẻo, có cả bền bỉ và gai góc. Tóm lại, nó hội tụ đẻ hai tính Cương Nhu hợp thành một thể thống nhất, nó rất giống với bản chất và tinh thần con người Việt Nam

Từ quan sát đó, sau khi nghiên cứu sâu sắc nhiều giành võ thuật trên thế giới và dân tộc, cố võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc đã lấy định luật “Cương Nhu phối triển” làm nguyên lý cho Vovinam – Việt võ đạo. Cương Nhu phối triển không chỉ đơn thuần là một sự bao hàm cả hai tính cương và nhu mà thật sự nó linh hoạt biến hóa vô cùng, lúc thì Cương nhiều Nhu ít, lúc thì Cương ít Nhu nhiều. Lúc vừa Cương vừa Nhu tùy theo mỗi hoàn cảnh và mỗi tình huống.

Câu 12: Tác phong của Việt võ đạo sinh?

Trả lời:

Khi học tập, Việt võ đạo sinh phải tôn trọng kỷ luật, kính thầy, yêu bạn:

  • Tôn trọng kỷ luật: Tự giác tôn trọng nội quy của môn phái, hội và võ đường (câu lạc bộ)
  • Kính thầy: Lúc đến và ra về phải chào võ sư, huấn luyện viên theo nghi thức Việt võ đạo. Chăm chú theo dõi và tuyệt đối tuân lệnh của võ sư, huấn luyện viên trong học tập và sinh hoạt.
  • Yêu bạn: Vui vẻ hòa nhã với đồng môn, nếu bạn yếu kém phải nương tay, chỉ dẫn, khuyến khích bạn, săn sóc khi bạn té đau, bị đau vì bạn lỡ tay đánh mạnh cũng không cáu kỉnh giận dữ, tránh tranh luận ồn ào, cướp lời bạn một cách lỗ mãng, tuyệt đối tránh những đố kỵ, thù hằn

Trong gia đình, Việt võ đạo phải kính mến người trên, yêu mến người ngang hàng, nhường nhịn người dưới.

  • Kính mến người trên là lễ độ và vâng theo lời dạy bảo, nếu người trên có điều gì sơ suất thì tìm cách khuyến lơn nhẹ nhàng
  • Yêu mến người ngang hành là chí tính, vui vẻ và hòa thuận
  • Nhương nhịn người dưới là rộng lượng, tận tâm chỉ bảo với thái độ hòa nhã. Tuyệt đối tránh dùng võ khi trong gia đình không may có chuyện bất hòa

Tác phong của Việt võ đạo sinh khi biểu diễn võ thuật

Chỉ thị nào có sự phần công chính thức, Việt võ đạo sinh mới được tham gia các buổi biểu diễn võ thuật. Khi biểu diễn trước hết phải nghĩa đến danh dự môn phái, đem đến tinh thần vào cuộc biểu diễn để truyền vào cảm quan khán giả những đòn thế tinh luyện với sự diễn tả tận tình, hăng sây nhưng nhu nhã, dữ dội, mãnh liệt mà vẫn uyển chuyển, nhịp nhàng, qua đó biểu dương được những nét độc đáo đặc sắc về võ thuật và võ đạo của môn phái

Khi giao dịch ngoài xã hội hoặc nơi công cộng, Việt võ đạo sinh cần phải:

  • Tôn trọng nội quy nơi giao dịch, công cộng
  • Ôn tồn những không do dự, ba phải, ngại tranh luận
  • Cởi mở nhưng không phải bạ đâu nói đấy, tiết lộ hết chuyện nội bộ cho người ngoài biết
  • Niềm nở nhưng không nịnh bợ, cầu cạnh, suồng sã
  • Khiêm tốn nhưng không khúm núm, quỵ lụy
  • Tuyệt đối tránh khoe khoang mình là “người có võ”

Tinh thần thái độ của Việt võ đạo sinh khi tham gia công tác xã hội

Việt võ đạo sinh tham gia công tác xã hội vì nghĩa vụ chung đối với đồng bào, vậy phải giữ đúng tinh thần vị tha, chí công vô tư, bất vụ lợi. Tuyệt đối tránh việc kể ơn hay có thái độ, cừ chỉ có thể làm người nhận sự giúp đỡ tủi thân hoặc hiểu lầm việc làm tốt đẹp của ta. Khi tiếp xúc giúp đỡ họ, phải khéo léo giữ gìn ý tứ, hòa nhã và lễ độ.

Trong những buổi sinh hoạt nội bộ Việt võ đạo sinh cần phải:

  • Thân ái: Vì đây là dịp để cho các đồng môn có dịp tìm hiểu nhau từ hoàn cảnh, tài năng đến chí hướng. Cần nhớ thân ái không phải là gây bè kết nhóm tạo sự tỵ hiềm, đố kỵ nhau
  • Hồn nhiên: Vì có tính cách gia đình, là dịp để cho mọi người có thể phát huy những năng khiếu đặc biệt, tránh bừa bãi, tự do quá trớn
  • Cởi mở: Vì mục đích sinh hoạt nội bộ là tạo niềm thông cảm giữ các môn sinh để tình đồng đạo mỗi ngày một vững vàng. Tuy nhiên, cởi mở không đồng nghĩa với khoe khoang, phách lối, hợm hình, chọc phá hoặc bươi móc lẫn nhau
  • Bao dung: Vì đây là cơ hội tốt đẻ các đồng môn tương trợ lẫn nhau, giải quyết các hiểu lầm, ngộ nhận. Khi có kinh nghiệm quý báu gì ta nên đem ra phổ biến để mọi người cùng lĩnh hội. Khi đồng môn có điều gì sơ sót, ta sẵn lòng bỏ qua. Nếu thấy cần thiết nên góp ý khéo léo, nhẹ nhàng, cổ võ khuyến khích để đồng môn tăng thêm nhuệ khí thi thố tài năng.