TIỂU SỬ CHƯỞNG MÔN ĐỜI II

CHƯỞNG MÔN ĐỜI II

LÊ SÁNG

(1920 – 27/9/2010)

NỘI DUNG

Võ sư Lê Sáng nguyên quán tỉnh Thanh Hóa, sinh ra ở Hà Nội, Việt Nam vào mùa thu năm 1920 trong một căn nhà nhỏ bên bờ hồ Trúc Bạch, Hà Nội

Cha của võ sư Lê Sáng là Lê Văn Hiển tự Đức Quang (1887–1959, thọ 72 tuổi) và mẹ là Nguyễn Thị Mùi (1887–1993, thọ 106 tuổi).

Ông là con trưởng trong gia đình có 3 người con, hai người em gái của võ sư là bà Lê Thị Xuất và bà Lê Thị Hương.

Năm 19 tuổi, bị bạo bệnh nên đôi chân đi đứng khó khăn, ông tìm thầy học võ và cơ may đưa ông đến lớp tập Vovinam ở trường Sư Phạm Hà Nội do chính võ sư Sáng Tổ Nguyễn Lộc giảng dạy. Có tố chất thông minh, chịu khó học hỏi và chuyên cần luyện tập nên ông đã sớm bình phục và tiến bộ nhanh trên bước đường võ nghệ. Cảm kích tấm chân tình cùng chí hướng cao cả của Sáng Tổ, ông đã bỏ cả sự nghiệp cùng đồng lao cộng khổ theo Người đi dạy và quảng bá Vovinam nhiều nơi ở miền Bắc Việt Nam.

Năm 1954 đất nước bị chia đôi, ông theo Sáng Tổ vào Nam. Tại Sài Gòn, ông được phân công lần lượt mở các lớp võ ở đường Thủ Khoa Huân, đường Trần Khánh Dư, đường Sư Vạn Hạnh, đường Trần Hưng Đạo và sau nầy đã thay Người đứng lớp huấn luyện cho các môn sinh cao đẳng. Năm 1960, trước khi qua đời, Võ Sư Sáng Tổ đã giao nhiệm vụ lãnh đạo môn phái lại cho ông.
 
Là môn đệ trưởng tràng, sát cánh cùng võ sư Sáng Tổ gần 20 năm, võ sư Lê Sáng đã hấp thụ được những tư tưởng võ đạo và võ thuật của Người một cách sâu sắc nhất. Bằng tài năng, đức độ và tâm huyết ông đã dày công vun gốc Vovinam, đắp nền Việt Võ Đạo, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hoá võ học nước nhà và làm rạng danh dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. Chỉ trong khoảng một thời gian ngắn ông đã hệ thống hoá toàn bộ tư tưởng, triết lý võ đạo cùng đòn thế, võ phục.. đã phát động cao trào Việt Võ Đạo hoá học đường; Việt Võ Đạo hoá Cảnh Sát, Quân Đội, Cán Bộ Quốc Gia; Thành lập Tổng Cục Huấn Luyện; Tổng Hội và Tổng Đoàn Thanh Niên Việt Võ Đạo; Lần lượt mở các Cục Huấn Luyện Miền Đông; Miền Trung; Miền Tây; Miền Tây Bắc, Liên Đoàn Việt Võ Đạo Pháp Quốc (Dederation Francai de Việt Võ Ðạo)… dưới sự chỉ đạo, điều hành có quy củ, hệ thống; dìu dắt các thế hệ đồ tôn đi vào con đường hướng nghĩa, vị tha…trên dưới một lòng CHAN HOÀ hưng thế đạo. Ngoài ra, ông đã từng giữ chức vụ Tổng Thư Ký Tổng Cuộc Quyền Thuật, Tổng Thủ Quỹ Ủy Hội Olympic miền Nam Việt Nam.
 
Ông cũng từng đi Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Úc để thăm viếng và hun đúc tinh thần cho các môn đồ đang hoạt động tại đây.
Chẳng những giỏi võ, có tài lãnh đạo, ứng xử và quản lý giỏi, Chưởng Môn Lê Sáng còn là một nhà lý luận, nhà văn, nhà thơ với bút hiệu Huy Vũ và Quang Vũ. Bằng những nét chữ bay bướm, ông đã sáng tác nhiều bài thơ (một số đã được phổ nhạc) tràn đầy cảm xúc sâu lắng, đượm tình yêu quê hương dân tộc, chứa chan tinh thần thượng võ và triết lý phương đông.
 
Trong đời thường, ông sống ung dung, giản dị, thường giúp đỡ bạn bè và cư xử chân tình với những người chung quanh. Ngay cả khi bị Cộng Sản ngược đãi biệt giam hằng bao năm trời ông vẫn không hề tỏ ra oán hận họ. Đối với môn đệ, ông chí tình dạy bảo, thương yêu và tha thứ. Những lúc cha mẹ ốm đau, ông luôn cận kề và chăm lo chu đáo.
 
Sống đơn thân, không nặng gánh gia đình, thích nghiên cứu học hỏi, thấm nhuần triết lý phương Đông, Chưởng Môn Lê Sáng đã hy sinh và cống hiến trọn đời mình cho công cuộc xây dựng và phát triển Môn Phái Vovinam Việt Võ Đạo.
 
Dáng người quắc thước, đôi mắt tinh anh, nụ cười hiền hoà, ý tưởng không thừa không thiếu lồng trong một tinh thần hài hoà, cởi mở nhưng cương nghị. Đó là hình ảnh tiêu biểu của võ sư Lê Sáng, Chưởng Môn Nhân Môn Phái Vovinam Việt Võ Đạo, người kế nghiệp xuất sắc nhất của võ sư Sáng Tổ Nguyễn Lộc.
 
Sau một thời gian dài lâm trọng bệnh, võ sư Chưởng Môn Lê Sáng đã ra đi vĩnh viễn vào ngày 27 tháng 9 năm 2010 (tức ngày 20 tháng 8 năm Canh Dần âm lịch), hưởng thọ 90 tuổi. Tang lễ ông đã được cử hành trang nghiêm, trọng thể dưới sự tham dự hầu hết của các hội đoàn, đảng phái, chính giới, thân hữu và nhất là của các môn đồ ở khắp nơi tụ về.
 
Linh cốt ông hiện nay được thờ phụng ở Tổ Đường Việt Nam. Trước khi mất, ông đã thành lập: Hội Đồng Võ Sư Chưởng Quản trong nước và Hội Đồng Võ Sư Tương Trợ Hải Ngoại để thay ông điều hành Môn Phái đang phát triển khắp năm châu.
 
Mặc dầu, sự ra đi của võ sư Chưởng Môn Lê Sáng là một sự mát mát to lớn cho nền võ thuật, võ đạo nước nhà và cho toàn thể môn đồ VoViNam Việt Võ Đạo các cấp trên toàn thế giới. Nhưng chắc chắn rằng, dòng sống VoViNam cùng triết lý Việt Võ Đạo: “Sống, Sống cho người khác và để cho người khác sống!” của ông sẽ mãi mãi sống trong lòng dân tộc và nhân loại!
 
“Đạo cao chí cả lưu danh thuở.
Nghĩa nặng tình thâm thấu đất trời.”