Tại sao phải chạy đua theo cấp đai

     Nam xin chia sẻ với mọi người về việc các em nhỏ học Vovinam hiện nay, luyện tập và thi lên đai quá sớm so với trình độ và nhận thức của mình. Sau đây là 3 lý do mà bản thân mình nghĩ là các em hiện nay nên tập trung tập luyện và thi lên đai chậm lại:  
     
     1/ Bước lên ngưỡng cửa Hoàng đai sớm là một con dao 2 lưỡi.
 
     Ở góc nhìn của một người tập luyện phong trào và chỉ thi đấu bán chuyên, Nam cảm thấy việc thi lên Hoàng đai gần như là không cần thiết vì sẽ nhận phải tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Nam bắt đầu tập luyện Vovinam từ năm 9 tuổi và thi lên Hoàng đai vào năm 13 tuổi. Đơn giản thời điểm đó chỉ cần kỹ thuật đã hoàn thiện thì cứ tiếp tục mà thi lên đai. Không có ai định hướng cho mình phải làm gì. Sau khi bước đến ngưỡng cửa Hoàng đai, không chỉ Nam mà cả một thế hệ cùng lên Hoàng đai như Nam gặp chung một tình trạng. Đó là với tư duy của một đứa 13, 14 tuổi thì chưa đủ khả năng để hỗ trợ giảng dạy nhưng cũng lại khó khăn trong việc luyện tập cùng các bạn đồng trang lứa ở cấp Lam đai. Tất cả đều chung một trạng thái không tìm được nơi mình thuộc về và mình cần phải làm gì tại cái nơi gọi là Vovinam này và kết quả là hoàn cảnh đó đã giết chết tất cả niềm yêu thích, say mê Vovinam của các bạn đồng trang lứa Nam thời đó và tất cả đã từ bỏ Vovinam ngay tại vị trí Hoàng đai. Bằng một phép màu nào đó Nam vẫn ở cùng Vovinam đến thời điểm hiện tại, Nam 22 tuổi và Nam đủ nhận thức để hiểu được rằng Nam trưởng thành được như hiện tại là nhờ ơn của Vovinam rất nhiều và Nam chọn con đường đi cùng Vovinam để học hỏi và phát triển, song song đó là phát triển phong trào, hỗ trợ các bạn nhỏ tiếp cận và tập luyện với môn võ này. Nếu có một lời khuyên cho các bạn trẻ đang có ý định thi lên Hoàng đai: nếu bạn vẫn còn muốn được NHẬN từ Vovinam (cơ hội tập luyện, phát triển bản thân) hãy ở lại cấp lam đai, nếu bạn biết ơn và đã sẵn sàng cho trách nhiệm CỐNG HIẾN cho Vovinam hãy suy xét đến chuyện bước lên Hoàng đai.
 
     2/ Võ thuật đi đôi với võ đạo, võ đạo đầu tiên chính là trong cách luyện tập võ thuật.
 
     Nam đi dạy võ và nguyên tắc để học trò Nam thi lên đai là cực kì kĩ tính, ở mỗi cấp đai mình đề ra cho học trò những quy chuẩn võ đạo trong tập luyện để có thể đủ tiêu chuẩn thi lên đai song song với việc đã thuộc bài:
     Cấp nhập môn (xanh lợt): Có sự mong muốn tập luyện để cải thiện bản thân là được
     Cấp lam đai: Có khả năng tập trung không mắc phải các lỗi sai cơ bản như quên đặt tay ở thắt đai khi thực hiện đòn, đứng tấn khuỵu gối sai chân, nghiêm lễ 2 mũi chân chưa khép lại.
     Cấp lam đai nhất: Có khả năng tập trung trong xuyên suốt buổi tập, từ khởi động kĩ lưỡng không qua loa cho đến thực hiện đòn thế, không để chuyện khác xao nhãng, ghi nhớ các đòn và tấn cơ bản, có thể thực hiện đòn qua lời giảng của HLV.
     Cấp lam đai II: Cùng khả năng tập trung trong xuyên suốt buổi tập là tác phong chuẩn mực, không đùa giỡn thái quá. Có khả năng mở rộng vùng an toàn của mình để luyện các kỹ thuật khó có tính nguy hiểm, không chùn bước.
     Cấp lam đai III: Đây là ngưỡng cửa sắp thi Hoàng đai, sau khi đã có khả năng tự nâng cấp bản thân mình một cách tích cực thì khi muốn thi lên Hoàng đai, võ đạo cần hướng đến các bạn trong CLB, có sự quan tâm, hỗ trợ các bạn tập luyện, có nhận thức về đóng góp cho CLB, cho Vovinam.
       Học trò của Nam song song với việc thuộc bài thi, cần phải đạt được tiêu chí võ đạo ở cấp đai của mình qua từng buổi tập thì mới được xét duyệt thi lên đai. Suy cho cùng chưa cần thi lên Hoàng đai thì cách sinh hoạt tập luyện của mình tại lớp đã có phần nào ảnh hưởng đến các bạn cùng CLB rồi.
 
     3/ Khi chưa thực hiện được võ đạo hãy tiếp tục trau dồi võ thuật ở cấp đai của mình, đừng ảo tưởng việc mình đã thành thục kỹ thuật.
 
     Võ thuật không nằm ở bài quyền mà bạn đã thuộc, càng không phải ở cái đai mà bạn đang mang. Nó nằm ở các đòn thế ăn sâu vào bộ nhớ cơ bắp và máu thịt của bạn. Xem xét lại một chút những điều sau đây, bài khởi quyền xuất hiện 4 tấn, đầu tiên là lập tấn để làm quen sau đó phát triển đến 3 tấn cơ bản là đinh tấn, trung bình tấn và trảo mã tấn. Cho người tập mới làm quen với 3 mặt đánh là trước và 2 bên theo nguyên tắc cân bằng 2 bên để người học có sự tiếp thu đơn giản. Bước đến nhập môn xuất hiện các tấn mới là tam giác tấn, quỳ tấn, cung tiễn tấn và tứ bình tấn. Có đặc điểm là sau khi bước tấn thực hiện đòn, 2 chân lại bước về tư thế nghiêm, 2 tay nắm ở thắt đai là để người tập làm quen được vị trí đặt tay và cách bước đơn giản để tập trung vững tấn, xuyên suốt vẫn đánh theo nguyên tắc cân bằng nhưng khác bài khởi quyền là cân bằng 2 mặt bên và 2 mặt trước sau. Có phần đánh gạt cạnh tay và thực hiện lối đá là có sự linh hoạt nhằm làm quen để bước lên cấp đai tiếp theo. Ở bài Thập tự có thể nói sự linh hoạt lên một cấp bậc mới, không còn đánh theo nguyên tắc cân bằng từng đòn cơ bản mà là Chiến lược 1 mặt trước, 3 mặt trái 5 mặt phải 7 và 9 mặt sau rồi tương tự 2 mặt trước, 4 mặt trái, 6 mặt phải, 8 và 10 mặt sau. Và luôn xoay bên trái để chuyển mặt, xuất hiện các tấn khó hơn để phát triển khớp gối và tiền đình như độc cước tấn, tọa tấn, hạ bình tấn,…
 
     Đây không phải là những thứ để ta SUY NGHĨ rồi nhìn ra, mà ta phải CẢM NHẬN để thấy được. Cấp đai trước luôn có sự liên kết với cấp đai sau, phải thông qua việc tập trung vừa tập luyện vừa cảm nhận sự phát triển của cơ thể để hình thành những kỹ thuật mới một cách trọn vẹn và chắc đòn. Không phải cứ thuộc bài, cứ đai cao là có võ mà phải cảm nhận đến từng tế bào từng mạch máu đang hoạt động và tiếp nhận võ thuật ra sao, sau đó là đến tinh thần được tôi rèn qua sự vận động của cơ thể như thế nào, đó mới là con đường chính đạo của người luyện võ. Đến cuối cùng có thể thấm nhuần các tinh hoa và truyền lại cho thế hệ mai sau.
 
     * Kết lại đai đẳng chỉ là một chiếc vé thông hành đưa ta đến tiếp cận với một trình độ võ thuật cao hơn và trao cho ta những trách nhiệm to lớn hơn. Nếu để kĩ thuật của bản thân chậm lại so với cấp đai cũng hỏng mà trách nhiệm nặng hơn cấp đai cũng không tốt. Đừng để chiếc đai mình đang mang trở thành một gánh nặng mà hãy để chiếc đai mình đang mang trở thành một trách nhiệm.
Cảm ơn bạn đã đọc.
 
Môn sinh
Nguyễn Thành Nam
 
CLB Vovinam Nhà Văn hóa Lao động Bình Tân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *